Các món Ngọc dương

Ngọc dương đang được chế biến

Món ngọc dương hầm thuốc bắc đang được nhiều người đàn ông ưa chuộng. Ăn ngọc dương hầm thuốc bắc có tác dụng bổ dương, kiện trì ích vị, thích hợp với nam giới khi bị đau lưng, liệt dương, đầu gối yếu mỏi, thận hư. Ngọc dương nguyên bộ rửa sạch đưa vào nồi nấu chung với nhân sâm (15 g), kỷ tử (20 g), hoài sơn (50 g), đại táo (30 g), nhục quế (10 g), long nhãn (30 g). Đổ nước vừa ngập, đun sôi trong vòng 30 phút, sau đó hạ lửa đến khi ngọc dương chín mềm rồi nêm gia vị hành, muối.[1]

Ngọc dương tửu hay còn gọi là rượu dái dê với nguyên liệu là những quả thận dê đã được cắt bỏ phần màng trắng bên trong, hoặc toàn bộ bộ phận sinh dục (ngọc hành), đôi khi cả dương vật của dê, đem nguyên liệu bóp đều với rượu gừng tươi và để trong 30 phút. Lấy ra bỏ hết gừng, thái thành các lát mỏng. Đem xử lý ngâm ngập vào rượu dược dụng 60o trong 3 - 6 tháng. Lần 2: ngâm trong 3 tháng, nồng độ rượu 35 - 40o. Lần 3 ngâm trong 1 tháng, nồng độ rượu 35 - 40o. Gộp dịch chiết rượu của 3 lần lại. Để tăng thêm tác dụng bổ nội tiết, bổ sinh dục, người ta còn pha chế thêm rượu thuốc vào rượu ngọc dương, với các vị thuốc.[2]

Ngọc dương hấp rượu: Ngọc dương, thận, bộ sinh dục cắt miếng mỏng, ướp hành tỏi, ngũ vị hương, cho vào thố (niêu đất) kê trên vài viên gạch nhỏ (trên đĩa), đổ rượu vào đĩa rồi đốt. Hơi nóng của rượu sẽ làm chín ngọc dương. Ngọc dương nấu lẩu: Nước lẩu hầm củ sen, hạt sen, củ súng. Khi nước sôi, nhúng tái ngọc dương, thận, tuỷ dê. Không nên để những bộ phận này chín quá bởi sức nóng dễ làm giảm tác dụng. Ngọc dương nấu lẩu là một bài thuốc phối ngũ. Ngọc dương có tính mạnh nhưng lại hãm bởi những vị cố tinh như thế sức mạnh bền bỉ mà không bộc phát.